Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm.
Bắc Kạn: Làm giàu từ sản xuất cây giống
02 Oct, 2020 - Tin tức cập nhật
Sinh ra tại xã vùng cao Ân Tình, huyện Na Rì (Bắc Kạn) từ nhỏ, anh Bàn Văn Chiến (SN 1982) đã gắn bó với núi rừng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên, anh Chiến làm việc tại Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi của tỉnh, rồi ra làm kinh doanh riêng. Anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng, anh em mua được mảnh đất để làm vườn ươm cây giống.
Với năng lực chuyên môn sẵn có, cùng với đội ngũ công nhân lành nghề, việc sản xuất cây giống của anh từng bước ổn định và phát triển. Khi đã tích lũy được vốn từ những lần xuất bán cây giống, anh Chiến mua thêm khoảng 5 ha đất, phần đồi để trồng cây, còn một phần cải tạo mặt bằng mở rộng quy mô vườn ươm.
Để thuận tiện giao dịch và gieo ươm cây con cho các địa phương, anh Chiến đã thành lập cơ sở sản xuất và kinh doanh giống cây trồng Mạnh Minh. Ngoài cây chủ lực là mỡ và keo, còn mở rộng thêm các loài cây ăn quả bưởi, cam quýt, lát, trám, dổi…
Anh Chiến cho biết: "Gieo ươm cây giống cần phải chú trọng các khâu như chọn đất để đóng bầu, chọn hạt giống tốt. Ngoài ra, chăm sóc, bón phân đúng kỹ thuật. Hiện, mỗi năm cơ sở sản xuất hơn 2 triệu cây các loại cung cấp ra thị trường. Việc bán thẳng cho người dân thu được lợi nhuận cao, có thời điểm giống cây mỡ giá 2.500 đồng/cây, dổi 6.000 đồng/cây… Doanh thu cho cơ sở khoảng 2 tỷ đồng/năm.
Sản phẩm bán ra ngày một nhiều, việc sản xuất cây giống thuận lợi, cơ sở thu lãi tốt. Từ nguồn thu đó, gia đình anh trả hết nợ, xây nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt và 2 xe ô tô phục vụ sản xuất, kinh doanh. Cơ sở còn tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động với mức lương bình quân 4,5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Những người công nhân gắn bó với cơ sở cho biết, làm việc tại đây thu nhập đều, ổn định, lại được gần gia đình. Có thời điểm chăm sóc cây con như nhổ cỏ, bón phân, tưới nước… được từ 160.000 đồng/ngày, đóng bầu khoán, thu nhập được khoảng 300.000 đồng/ngày.
Anh Chiến tâm sự, do nhu cầu về cây giống của người trồng rừng ngày càng nhiều, từ năm 2021 sẽ mở rộng quy mô làm cây giống từ hơn 2 triệu cây/năm lên hơn 3 triệu cây/ năm. Ngoài tập trung làm giống lâm nghiệp, anh sẽ tăng cường sản xuất giống cây ăn quả phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh Bắc Kạn.
Ngoài ra, trong năm 2020, anh Chiến cũng đã mua lại hơn 80% cổ phần của HTX Chế biến nông sản Tân Dân và hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị của đơn vị này. Trong thời gian tới cũng sẽ mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực chế biến nông sản, đặc sản địa phương theo hướng sản phẩm OCOP để cung cấp ra thị trường.
Toán Nguyễn
Nguồn: NNVN