Đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng

01 Apr, 2021 - Tin tức cập nhật

Gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung của Hợp tác xã sản xuất Gạo Nếp Gà Gáy Mỹ Lung (huyện Yên Lập) được giới thiệu tại Hội chợ OCOP tổ chức từ ngày 27/11 - 1/12/2020

Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã khuyến khích và tạo động lực cho các chủ thể tham gia chương trình khắc phục những tồn tại hạn chế, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ. Ðây cũng là cơ hội để các làng nghề, cơ sở sản xuất phát huy, khai thác hết tiềm năng, tinh hoa của mình. Nhiều sản phẩm đặc trưng sản xuất theo phương thức truyền thống khi tham gia vào chương trình OCOP được sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chí chất lượng. Tất cả các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao dán trên bao bì sản phẩm.

Bà Hà Thị Ngọc Điệp - Phó Giám đốc HTX Thịt chua Thanh Sơn cho biết: Từ khi được chứng nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh, sản phẩm của chúng tôi đã được giới thiệu tại các siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh như Vinmart, Coopmat, BigC và được cung ứng ra 25 thị trường trong nước. Dự kiến, trong dịp Tết Nguyên đán 2021, HTX sản xuất khoảng 20.000 sản phẩm để phục vụ thị trường.

Các thành viên HTX Thịt chua Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn) đóng gói sản phẩm phục vụ thị trường

Tại Hội chợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và nông sản tỉnh Phú Thọ năm 2020 và gian hàng OCOP do Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh tổ chức vừa qua đã thu hút đông đảo người dân đến mua sắm. Các sản phẩm bày bán tại đây đều được công nhận và xếp hạng OCOP cấp tỉnh của Phú Thọ và một số tỉnh bạn gồm: Mì gạo Hùng Lô, Gạo giống Nhật J02 loại 5kg, Bưởi Sửu Chí Đám, Thịt chua Thanh Sơn, Chè xanh đặc sản Phú Hộ, Na Sơn La, Nấm hương Lào Cai…

“Xác định công tác xúc tiến thương mại là bước then chốt trong việc đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng, Sở Công Thương đã làm việc với siêu thị bán các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc sản trên địa bàn tỉnh; đồng thời phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành, thị giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại Hội chợ OCOP và các địa điểm đông khách du lịch tham quan nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Các sản phẩm bày bán đều đã được phân hạng đánh giá sao, đồng nghĩa sản phẩm được kiểm định rõ ràng trước khi đưa đến tay người tiêu dùng” - Ông Đặng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết.

Để góp phần thuận lợi trong việc kết nối các cơ sở sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông lâm sản của tỉnh, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin triển khai xây dựng các giải pháp thương mại điện tử; phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử giaothuong.net.vn và sàn giao dịch thương mại điện tử voso.vn để quảng bá, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ.

Người dân trải nghiệm các giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại gian trưng bày của VNPT Phú Thọ tại Hội chợ OCOP tổ chức từ ngày 27/11 - 1/12/2020

Chị Nguyễn Thị Phương - phường Vân Cơ, thành phố Việt Trì cho biết: Khi mua hàng trên sàn giao dịch thương mại voso.vn tôi thấy ngoài các mặt hàng gia dụng thì điểm nổi bật ở đây là có rất nhiều sản phẩm nông sản đã được chứng nhận OCOP của các vùng miền trên cả nước được bày bán, trong đó có của Phú Thọ. Khi biết đây là trang của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel thì tôi thấy rất yên tâm để đặt mua những mặt hàng chất lượng thông qua sàn giao dịch.

Ông Nguyễn Hữu Anh - Giám đốc siêu thị Co.opmart Việt Trì cho biết: Do hầu hết sản phẩm OCOP của tỉnh còn sản xuất theo mùa vụ nên hiện nay mới chỉ có một số sản phẩm được bày bán tại siêu thị để phục vụ người tiêu dùng. Co.opmart mong muốn trở thành điểm giới thiệu đặc sản địa phương đến người tiêu dùng, góp phần phát triển sản phẩm OCOP, hỗ trợ đầu ra ổn định nhằm nâng cao giá trị sản xuất cho người dân. Hiện nay, siêu thị có nhiều ưu đãi cho sản phẩm OCOP của tỉnh như: Miễn phí hoàn toàn hoạt động giới thiệu, quảng bá và trưng bày sản phẩm; chính sách chiết khấu giảm đến mức thấp nhất…

Từ thực tế trên cho thấy chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn tỉnh đã tạo làn gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, tạo đà thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản đặc trưng của từng địa phương; hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, người dân cũng được sử dụng những sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Siêu thị Co.opmart Việt Trì giới thiệu, bán sản phẩm OCOP

Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất hiện nay khiến cho các sản phẩm OCOP của tỉnh chưa thể vươn xa, chưa tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường lớn chính là vấn đề liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là việc đưa vào hệ thống kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, các cửa hàng bán lẻ lớn trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, tại các siêu thị hoặc ở chợ truyền thống, sản phẩm OCOP được bày bán khá khiêm tốn. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa xác định được lợi ích trong việc tham gia chương trình nên chưa thực sự quan tâm nhiều đến việc tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm nên chất lượng nhiều loại sản phẩm chưa cao, không đồng đều; mẫu mã bao bì, kiểu dáng còn sơ sài, thiếu tính thương mại; số lượng sản phẩm đăng ký tham gia nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, bảo hộ nhãn hiệu còn ít.

“Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ  đạo các sở, ngành liên quan và địa phương đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; hỗ trợ các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang thương mại điện tử Giaothương.net.vnnongsan.phutho.gov.vn; voso.vn” - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đặng Việt Phương nhấn mạnh.

Nguyễn Liên


Zalo
Zalo